Ngao du trên mạng xã hội, bạn tiếp cận được với vốn từ mới mang tên Content. “Quái lạ content là gì mà từ bé đến giờ chưa hề nghe qua, cũng chẳng có trong từ điển”, bạn thầm nghĩ. Đúng vậy, content tuy mới nhưng thực ra đã cũ. Cũ là bởi bạn đã từng ứng dụng nó rất nhiều lần mà bạn không hề hay biết. Không lòng vòng như Hải Phòng, cùng mình vào giải ngố ngay thôi!

Content là gì?

Content tạm dịch theo tiếng Việt là nội dung và đọc là còn ten. Nội dung này có thể biểu thị cho một sự vật, sự việc, con vật, con người, vâng vâng và mây mây. Thông thường, content sẽ mang một thông điệp truyền tải của bạn đến với mọi người. Vậy, với những bất cứ hành động, văn bản, hình ảnh bạn gửi gắm đến người khác sẽ được gọi là content.

Content gần gũi hơn bạn nghĩ

Nay, Content được ứng dụng rộng rãi trong Marketing để làm những nội dung về quảng cáo sản phẩm, PR hoặc lan truyền tin tức, mục đích kích thích sự tham gia của người đọc về nội dung. 

Phân loại Content

Để hiểu về content là gì, bạn không cần phải trải qua một chương trình học tập nào cả, bởi vì content được hình thành dựa trên trí tưởng tượng và sáng tạo của mỗi người. Với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, content càng trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhóm chúng lại thành các loại content như sau:

Content giải trí

Hằng ngày, bạn có cơ hội tiếp cận với vô số nội dung giải trí khác nhau khi truy cập vào các trang mạng xã hội Facebook hay Youtube. Đây cũng chính là loại content mang đến nhiều tương tác đến cho người sáng tạo nội dung giải trí bởi nó mang đến tiếng cười, xua tan sự căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống. 

Các thương hiệu rất chuộng loại hình content này nhằm gia tăng yếu tố viral trong bài viết, và có thể dễ dàng thu hút nhiều người theo dõi, yêu mến thương hiệu nhiều hơn.

Ví dụ những nội dung phá cách mang nhiều yếu tố sáng tạo của Durex đã giúp cho thương hiệu thành công trong việc quảng bá tên tuổi đến các khách hàng.

Content giải trí dễ dàng thu hút người xem

Rộng hơn, content giải trí còn khai thác nhiều khía cạnh cảm xúc khác của con người như xúc động, giận dữ, hy vọng, ngạc nhiên,… Tùy vào hướng đi của thương hiệu đó sẽ chọn ra cách khai thác cảm xúc phù hợp.

Content cung cấp thông tin

Vừa ra lò một sản phẩm ưng ý, việc đầu tiên cần làm của một doanh nghiệp là rao thông tin hấp dẫn về sản phẩm đến rộng rãi khách hàng. Đúng như bạn nghĩ, content cung cấp thông tin là dạng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích, có khả năng giải đáp vấn đề của người xem.

Hiện nay, content cung cấp thông tin còn được ứng dụng ở những trang báo. Những tin tức hằng ngày trên thời sự sẵn sàng ru ngủ thế hệ Z, những mặt báo thanh trừng những nghệ sĩ C-biz,… đều là những nội dung quan trọng không biến bạn trở thành người tối cổ.

Content tiện ích

Đây là loại nội dung mà bạn sẽ thường ít gặp nhất, trong trường hợp khi bạn tắt hết các mạng xã hội đi. Đúng vậy, content tiện ích là content được tạo ra nhằm giải quyết vấn đề của người xem. 

Đứng trên vai trò của doanh nghiệp, khi tung ra sản phẩm mới, điều cần làm đó là “giáo dục” cho khách hàng về cách thức sử dụng sản phẩm, thường đính kèm với tờ giấy “hướng dẫn sử dụng” mà chẳng mấy ai để ý.

Content Marketing

Content Marketing là dạng bao hàm tất cả nội dung được tạo ra với mục tiêu của người làm Marketing đặt ra. Đó có thể là kích thích người mua hàng, thu hút fan theo dõi, định vị thương hiệu,…

Content kèm mục tiêu Marketing

Trong thời đại Marketing 4.0, Content Marketing được xem là một công cụ Marketing hữu ích và không thể thiếu khi thực hiện một chiến dịch truyền thông. Không ít các Marketer nghiêm túc khẳng định rằng Content is King, tức Content là Vua để khẳng định tầm quan trọng của nội dung.

Những định dạng content phổ biến nhất

Blog post

Danh sách mở đầu đính kèm với một vài lời quảng cáo về trang web hihoangday.com. Vâng, đây chính là một dạng content thuộc Blog post, cũng chính là content cơ bản và đơn giản nhất. Người tạo blog có thể xem đây là nơi thoải mái chia sẻ những gì họ muốn.

Nếu là người mới, muốn tạo kênh blog cho riêng mình hãy thử ngay nhé. Trước tiên, bạn nên chọn những nền tảng blog miễn phí như: Blogger, WordPress, Tumblr,…

Nếu bạn blog bạn hay, được nhiều người biết đến, bạn có thể kiếm ra tiền bằng nhiều hình thức khác nhau nữa cơ. Nhưng không phải trong bài viết này, mình sẽ để dành cho một bài viết khác.

Infographics

Content chứa quá nhiều chữ gây nhức mắt cho người xem, vì thế Infographics ra đời. Ứng dụng đa dạng trong việc cung cấp thông tin và tiện ích cho người xem, nhưng Infographics lại cần kỹ thuật và hiểu biết nhất định về thiết kế để tạo ra một sản phẩm chỉn chu.

Với Infographics bạn có thể lưu trữ một cách dễ dàng thông qua định dạng hình ảnh và có thể tái sử dụng bất kỳ lúc nào.

Image Content

Image Content còn được dịch ra là nội dung hình ảnh. Đúng thế bạn không nghe nhầm đâu, nội dung không chỉ là những con chữ mà còn là hình ảnh – biểu thị cho một nội dung nào đó. 

Ảnh cũng thuộc một dạng nội dung

Những nội dung từ hình ảnh luôn được các doanh nghiệp ưa chuộng để tạo nên thông điệp mà họ truyền tải bởi theo thống kê, con người dễ ghi nhớ hình ảnh hơn là chữ cái.

Video content

Theo sau hình ảnh, mình nghĩ rằng các bạn đã đoán được “Liệu video có phải là định dạng nội dung hay không?”. Và chính xác, video cũng là một phần của content. Video hiện được tiếp cận dễ dàng nhất trên mạng Youtube – nơi bất cứ ai cũng có thể dễ dàng chia sẻ câu chuyện của mình. Riêng mình thì chưa bao giờ làm cả. Thật thất vọng!

Ebooks

Đây là dạng nội dung chia sẻ kiến thức về một lĩnh vực nào đó. Nếu bạn đã trải qua giai đoạn mới vào ngành, các bạn sẽ hiểu vai trò quan trọng của ebook “quyến rũ” được tạo ra nhằm đổi lấy thông tin cá nhân cho nhà phát hành.

Ebooks đang là nội dung thu hút trong một lĩnh vực cụ thể

Email

Sau bước đăng ký ebook, bạn sẽ nhận được những tin tức mời gọi của doanh nghiệp hằng ngày. Nền tảng triển khai email phổ biến hiện nay mà ai cũng biết đó chính là Gmail và những thông tin trên từng mail mà bạn nhận được đều được xem là nội dung.

Cá nhân mình thấy Email là một dạng content rất hay mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa tận dụng triệt để về linh vực Marketing với mục đích Remarketing nhằm gia tăng doanh thu thực cho doanh nghiệp.

User-Generated Content

Sự phát triển mạnh mẽ của Marketing 4.0 tạo nên một dạng content đặc biệt, User-Generated Content. Giải nghĩa theo tiếng Việt nghĩa là Content do người dùng tự tạo và được hiểu như sau: Khi doanh nghiệp đã có độ phủ nhất định, các fan thích thú sẽ không ngừng tạo ra những mẫu quảng cáo “hộ” cho doanh nghiệp.

User-Generated Content còn được xem như con dao hai lưỡi. Mặt tốt sẽ giúp lan tỏa thương hiệu không tốn một đồng quảng cáo, còn mặt xấu sẽ gây ảnh hưởng danh tiếng thương hiệu nếu người dùng lan truyền thông tin tiêu cực. Một ví dụ điển hình ở Durex tại thời điểm scandal của nam ca sĩ Jack.

Podcast

Bạn đã bao giờ nghe đến Podcast chưa? Tại Việt Nam, podcast còn khá mới mẻ với người dùng. Tuy nhiên sẽ không quá khó hiểu, bởi nội dung podcast được tiếp cận thông qua định dạng MP3, tức chỉ có âm thanh và không có hình ảnh.

Podcast là nội dung khá mới ở Việt Nam

Podcast ngày nay được ứng dụng nhiều ở kênh lưu trữ những buổi talkshow về tất cả các chủ đề diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn tự tin ở khoảng truyền tải bằng giọng nói thì hãy tham gia bằng cách tạo riêng cho mình một kênh Podcast miễn phí trên Spotify nhé. Còn mình thì thua với các giọng nói ngái ngủ rồi!

Press release (Thông cáo báo chí)

Ở góc độ vĩ mô hơn chúng ta có thông cáo báo chí. Nếu đây là lần đầu bạn nghe đến cụm từ này thì mình sẽ giải ngố cho các bạn. 

Thông cáo báo chí là dạng văn bản ngắn, có mục đích kêu gọi nhận thức của mọi người về việc quan tâm đến một sự kiện hoặc vấn đề nào đó có giá trị tin tức của doanh nghiệp. Thông cáo báo chí sẽ được các tổ chức gửi đến cho các nhà báo, phóng viên, các công ty truyền thông đưa tin như lời mời về sự kiện hoặc hoạt động của doanh nghiệp.

Content Interviews

Đến đoạn này, mình không biết có nên thêm vô hay không vì dự định sẽ đưa vào nhóm video, nhưng vì hình thức có khang khác nên để Interviews sang một dạng content độc lập.

Mục đích chính của Content Interviews đó là xây dựng sự hiểu biết hoặc thu hút người xem dựa trên sức ảnh hưởng của người được phỏng vấn hoặc đơn thuần vai trò của họ có tác động lớn đến người xem. Những chia sẻ thật với phong thái tự tin là những gì cần thiết cho một Content Interviews thành công.

Livestream

Đóa hoa nở muộn trong vài năm trở lại đây, livestream hiện là mảnh đất màu mỡ, sinh sôi hạt lúa chín vàng cho các dân buôn. Thậm chí đến doanh nghiệp khổng lồ như Shopee, Lazada cũng không bỏ qua dạng content hấp dẫn này.

Bạn dễ dàng tìm thấy video livestream trên mạng xã hội

Facebook cũng vừa xác nhận kỷ lục cho livestream của Lộc Fuho (314K người xem) và Cô Phương Hằng xếp sau (152K người xem) về những nội dung thu hút thị hiếu của người xem. 

Content SEO

Là hình thức nội dung hỗ trợ cho công cụ tìm kiếm. Nếu bạn là chưa là người mới bắt đầu tìm hiểu về Digital Marketing hẳn sẽ còn ngập đầu trong mớ hỗn độn kia. Nhưng không sao cả, bạn nên tìm hiểu về chút một, về SEO là gì, tổng quan trước rồi dẫn nhập vào content SEO nhé.

Sơ qua về SEO. SEO là viết tắt của Search Engine Optimization, có nghĩa tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Hãy thử lần mò vào Google, gõ một từ khóa bất kỳ lên thanh search, sau đó, tập hợp bài viết hiển thị ẩn trong những tiêu đề thu hút người xem. Đó chính là SEO, và content SEO chính là bài viết khi bạn nhấp vào tiêu đề đó.

Meme

Thuộc dạng content giải trí, meme đã “thống trị” toàn trang mạng xã hội. Dành cho bạn chưa biết, meme được chỉ những bức ảnh có nội dung hài hước, vui nhộn. Meme thường bắt nguồn từ một câu chuyện hoặc nhân vật truyền cảm hứng nào đó, hoặc được công nhận bởi nhiều người và lan truyền nhau trên mạng xã hội.

Tại sao lại khẳng định Content là Vua?

Bạn đã từng nghe loáng thoáng đã đâu rằng Content is King (trừ bài viết này ra). Dịch sang tiếng Việt: Content là Vua, vậy nó có nghĩa là gì? 

Câu nói bắt nguồn từ nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, nhận được sự ủng hộ của giới Marketing. Trong thời đại tiếp thị 4.0, Content chính là trung tâm của mọi hoạt động tiếp thị quản lý và phân phối những nội dung giá trị, liên quan trong lĩnh vực của doanh nghiệp đến với đối tượng mục tiêu (TA). Vai trò của Content ngày một nở rộ, cho đến thời điểm hiện nay, được xem là “chất liệu” chính để:

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

Trước năm 2010, Google còn phải chật vật nhờ vả người dùng cung cấp thông tin, bạn chỉ cần làm tốt kỹ thuật SEO thì bài viết của bạn sẽ được lên top. Khi internet ngày càng phủ rộng, Google ngày một thông minh hơn, các kỹ năng SEO ngày nay được tự động hóa và tiêu chuẩn hóa, Google buộc phải dựa vào chất lượng bài viết để đưa nội dung lên top trang tìm kiếm.

Content là một trong yếu tố quyết định thứ hạng SEO

Tương tác với khách hàng

Nội dung cần phải tạo liên tục để thu hút khách hàng và nền tảng để xây dựng nội dung hữu hiệu nhất là trang mạng xã hội. Vì thế khi lướt face, bạn sẽ thấy vô số nội dung được tạo nên từ nhiều thương hiệu khác nhau, chen chúc ở vị trí trên newfeed, mong chờ từng ánh nhìn của người xem. 

Lại tiếp nối ví dụ của bài đăng của Durex, team Marketing liên tục cho ra những bài viết mang tính viral cao. Trung bình một bài đăng của thương hiệu này, thu được 2 ngàn lượt react. Nhưng để đạt được con số mơ ước như Durex, bạn cần một ý tưởng thật tốt, đánh đúng vào tâm lý của người xem.

Tìm kiếm khách hàng mới

Không chỉ thu hút lượt người theo dõi, một content tốt còn thể hiện vai trò tìm kiếm khách hàng mới. Dựa vào hành trình mua hàng, người làm content sẽ biết cách tạo nên những nội dung theo sát nhu cầu của khách hàng. Phối hợp với công cụ quảng cáo, bài viết sẽ có hiệu quả tức thời. 

Tạo giá trị thương hiệu

Xây dựng thương hiệu luôn là công tác nhức nhối của người làm Marketing. Bởi vì bất kỳ hoạt động nào thương hiệu thể hiện trước công chúng đều có mục đích Branding cả. Content cũng vậy, cũng là một công cụ giúp tăng giá trị thương hiệu. Thể hiện hay thôi chưa đủ, content tốt cần phải đáp ứng được bản sắc văn hóa của doanh nghiệp và phù hợp với hướng đi của thương hiệu đó.

Content còn góp phần xây dựng thương hiệu

Bạn cần biết, Brand là quá trình chỉ thật sự phù hợp với doanh nghiệp vừa và lớn. Các doanh nghiệp nhỏ hiện cũng nên từng bước xây dựng chuỗi chiến lược Branding cho kế hoạch phát triển thương hiệu. Còn nếu bạn là chủ buôn bán nhỏ, việc bạn cần thúc đẩy chính là bán hàng.

Content tuy đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp. Hiểu content là gì một cách đơn giản, Content chỉ là nội dung thể hiện bởi ý tưởng bằng nhiều hình thức khác nhau mà bạn có thể nhìn thấy được.

Hy vọng nội dung trên sẽ giúp bạn phần nào hiểu thêm về Content. Nếu bạn biết thêm gì về content nữa, hãy để lại bình luận bên dưới nhé. Còn nếu thấy hay, hãy chia sẻ rộng rãi đến mọi người. Cảm ơn các bạn!

Bài viết đã được tạo 11

3 bình luận trong “Content là gì? Giải ngố cho bạn từ A-Z

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài liên quan

Bắt đầu nhập từ khoá bên trên và nhấp enter để tìm kiếm. Nhấn ESC để huỷ.

Trở lên trên