Xem những bài viết trước, bạn đã thấy mình dùng rất nhiều thuật ngữ content writer để ám chỉ người viết. Trên tảng băng, content writer được giới thiệu là vị trí phổ biến trong ngành quảng cáo và truyền thông, sử dụng vũ khí là ngòi bút để thu hút khách hàng. Còn giờ, hãy cùng mình làm rõ phần chìm dưới tảng băng để hiểu hơn về vị trí này nhé.
Mục lục
Content writer là gì?
Theo định nghĩa đầy đủ nhất, content writer là người tạo ra nội dung có giá trị để phục vụ cho lợi ích cụ thể của một doanh nghiệp nên người viết sẽ viết để cho người đọc khi đọc nội dung đó họ cảm thấy dễ hiểu nhất.
Có hơi khó hiểu phải không, vậy thì bạn chỉ cần nghĩ theo hướng đơn giản nhất content writer là người viết nội dung website, mạng xã hội hay ấn phẩm quảng cáo. Bất kỳ thứ gì cần được xây dựng nội dung thì người chạm bút đó là content writer.
Cụ thể họ viết những gì?
Ở khía cạnh cơ bản, content writer phát huy vai trò đa dạng trên những dạng bài viết như:
- Blog posts
- Web pages
- Social media posts
- Video/audio content
- Thông cáo báo chí
- Email marketing.
Ví dụ ở một trang viết về lĩnh vực sức khỏe, cần tiếp thị một nội dung về thực phẩm sữa non. Nhận thức của content writer sẽ đặt bút cùng với kỹ năng của mình biến hóa các tính năng mô tả trở thành câu chữ, với mục đích tiếp cận khách hàng và làm họ cảm thấy thích thú.
Tuy đã được giải thích rõ ràng và chi tiết, nhưng trong nhiều trường hợp chúng ta lại không thể phân biệt nổi nghề content writer và copywriter khiến các tấm chiếu mới trải trong ngành gặp hoang mang trong sự nghiệp.
Content writer và Copywriter: Tách biệt hay đồng nhất
Copywriter có phải là từ nối giữa copy: photocopy và writer: người viết phải không nhỉ? Hóa ra copywriter là người đạo văn à.
À KHÔNG. Copy được hiểu là “written material” – những vật liệu quảng cáo được thể hiện ở dạng chữ viết, từ ngữ. Copywriter là người viết bài quảng cáo với mục đích tạo ra cảm xúc ở người đọc để thôi thúc họ thực hiện một hành động nào đó, như mua hàng, nhận biết, yêu thích thương hiệu hoặc để lại thông tin,…
Để làm rõ sự khác biệt chính xác nhất giữa hai thuật ngữ, mình sẽ chia sẻ ví dụ thú vị:
- Trang web này hữu ích quá mày ơi! Tao mới nhập môn Marketing thôi còn ngu ngơ quá, may sao được mày giới thiệu website này. giờ tao hiểu rõ rồi, chuẩn bị làm cái CV đi xin intern nè.
- Web này còn bán cả khóa học mày ơi. Nghe chia sẻ thấy thú vị phết, còn nhiều thứ mà tao cần để đủ tiêu chuẩn vào Big 4 của ngành nữa chứ. Mày cho tao mượn ít tiền để học thử 1 khóa nha!
Hai nội dung bên trên khác biệt nhau rất rõ phải không nhỉ. Tuy nền tảng thể hiện giống nhau nhưng ở cảm xúc, hành vi rõ có sự chuyển biến rõ rệt.
Ở ví dụ số (1), người viết xây dựng một chuỗi nội dung để chia sẻ những kiến thức hữu ích, giúp ích cho người đọc và nhận được nhiều lượt chia sẻ.
Còn ở ví dụ số (2), cây viết đã sử dụng một số kỹ năng bán hàng để lôi cuốn khách hàng mục tiêu, cho họ thấy trước những kỹ năng mà họ sẽ nhận được sau khi chiêm nghiệm được khóa học. Từ đó, tạo ra cảm xúc mãnh liệt, thôi thúc họ phải đăng ký ngay khóa học nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp.
Trên thực tế, có nhiều agency từ lớn đến bé đều đang xóa nhòa ranh giới giữa hai vị trí này qua bản mô tả công việc: yêu cầu kỹ năng Copywriting, bao gồm lên ý tưởng và nội dung chiến dịch truyền thông, viết kịch bản viral clip hay sáng tạo slogan, tagline, nhưng đồng thời bao gồm các đầu việc cơ bản của content writer khi lên kế hoạch nội dung trên môi trường số, viết PR và thu thập tư liệu quảng cáo.
Những kỹ năng cần có của một content writer mới vào nghề
Viết
Hiển nhiên để bắt đầu sự nghiệp writer, bạn cần có khả năng viết lách. Nếu chỉ vừa nhen nhóm thì không sao, đã là kỹ năng thì bạn có thể nâng cấp từ từ.
Khi mới bắt đầu hãy bắt đầu viết ít, giới hạn từ 200 từ trở xuống. Tránh viết lan man hãy cô đọng hết mức có thể, tập lối viết đúng trước khi viết hay. Rất nhiều bài học bạn cần làm chủ trước vào tiến bước vào cánh cửa của một content writer chuyên nghiệp.
Nghiên cứu
Content writer như làm dâu trăm họ. Bạn sẽ phải tiếp cận đến một lượng kiến thức vô cùng khổng lồ từ nhiều ngành nghề khác để sản xuất một bài viết đúng, hấp dẫn đến với khách hàng mục tiêu. Và điều đó không dễ chút nào nếu bạn không dành nhiều thời gian để nghiên cứu về lĩnh vực ấy.
“Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu” – Abraham Lincoln, cho thấy tầm quan trọng của quá trình nghiên cứu. Dân marketing thường truyền tai nhau về công thức 80/20, trong đó 80 là thời gian nghiên cứu.
Trước khi bạn có ý định làm việc trong môi trường agency, hãy chuẩn bị tinh thần khi sáng tìm tư liệu về sức khỏe, chiều thì mò mẫm về tài liệu về ngành kiến trúc. Khi cảm thấy đủ kiến thức để thực hành hẳn đặt bút xuống và viết.
Biên tập
Vai trò của một content writer là cung cấp kiến thức hữu ích, tuy nhiên, không ít những bài viết trước đó đã thể hiện xuất sắc và nằm trên trang nhất tìm kiếm của Google.
Sử dụng kỹ năng biên tập để làm mới những bài viết đó, bổ sung thêm kiến thức mới, Google sẽ đánh giá bài viết của bạn chất lượng hơn và người đọc cũng sẽ thích thú với bài viết của bạn nhiều hơn.
Hiểu biết cơ bản về SEO và thiết kế
Bạn sẽ không trực tiếp những công việc này những phải phối hợp với những Seo-er hay designer để hiện thực hóa một bài viết hoàn chỉnh. Và bạn biết đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các vị trí để nội dung dễ dàng tiếp cận được với người xem.
Mình không khuyến khích các bạn đào quá sâu vào Seo hay thiết kế, chỉ nên giữ ở mức cơ bản, đủ để hiểu quy cách vận hành của công cụ tìm kiếm và concept thiết kế. Điều đó, còn giúp bạn thấu hiểu thêm về công việc và biết cách chia sẻ khó khăn mà họ đang gặp phải.
Content Writer là công việc phù hợp cho những bạn muốn tiến xa đến nghề Content nhưng xuất phát điểm chỉ ở con số 0.
Lộ trình phát triển của người viết cực kỳ rõ ràng: Content Writer > Creative Writer > Junior Copywriter > Senior Copywriter > Content Manager > Creative Director.
Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích cho các bạn mới nhập môn nghề Viết và vạch ra hướng đi rạch ròi cho bản thân mình.