Viết content hay như thế nào luôn là câu hỏi muôn thuở của những bạn mới nhập môn. Khi bạn chưa hiểu nhiều về các chỉ số, về cách gieo từ thế nào cho hợp lý thì đây là bài viết dành cho bạn.
Không dài dòng nữa nhé, cùng soạn ngay một tờ giấy trắng hoặc một file word để note lại những thông tin quan trọng mà mình đề cập dưới bài viết này.
Mục lục
- Viết content là gì?
- Xác định dạng content
- Các bước viết content hay, lôi cuốn người xem
- 14 công thức viết content phổ biến
- #1 (Before – After – Bridge) BAB
- #2 (Features – Advantages – Benefits) FAB
- #3 (Clear – Concise – Compelling – Credible) 4C
- #4 (Useful – Urgent – Unique – Ultra-specific) 4U
- #5 (Alliteration – Facts – Opinions – Repetition – Examples – Statistics – Threes) A FOREST
- #6 (Problem – Agitate – Solve) PAS
- #7 (Picture – Promise – Prove – Push) 4P
- #8 (Star – Story – Solution) 3S
- #9 (Attention – Interest – Desire – Action) AIDA
- #10 (Aware – Attitude – Act – Act again) 4A
- #11 (Awareness – Appeal – Ask – Action – Advocate) 5A
- #12 (Agree – Promise – Preview) APP
- #13 5 sự cản trở
- #14 3 vì sao
- 8 chiến thuật viết content áp dụng ngay
Viết content là gì?
Mới hồi đặt bút, mình cũng chưa hiểu nhiều về cách viết chạm đến khách hàng, cứ làm mọi thứ theo bản năng, theo tổ tiên mách bảo ở từng câu chữ. Qua một thời gian sản xuất ra những content dở tệ như vậy, mình nhận ra đang đi sai hướng và reset mọi thứ về lại con số 0.
Lần này mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đầu tiên là về nhận thức, mình đã bắt đầu xác định được đối tượng mục tiêu, tức dạng độc giả nào sẽ đọc bài viết của bạn. Hãy thoát vai bản thân và đặt bút dựa trên góc nhìn của độc giả.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” Chúc mừng vì bạn đã sinh ra đúng thời điểm rồi đấy, khi mọi thứ đều được nghiên cứu và chuyển đổi thành dạng công thức để đời sau có thể nương theo và áp dụng vào bất kỳ trường hợp nào.
Thú vị quá phải không! Nội dung chính ở đoạn cuối bài nhé.
Xác định dạng content
Khoan vội đặt bút, bạn đã xác định mình cần viết content trên kênh nào chưa. Vì mỗi channel khác nhau sẽ có cách viết, bố cục và cách triển khai khác nhau. Hãy xác định trước bạn đang xác định được dạng content mà mình muốn đăng tải nhé.
Content Facebook/ Social
Một quy tắc bất di bất dịch khi viết content facebook đó là câu từ ngắn gọn, súc tích. Xu hướng người xem facebook sẽ lướt qua những bài viết dài gây rối mắt. Thị giác của họ chỉ ưu tiên những hình ảnh đẹp, video hay, những nội dung hữu ích. Và như câu nói ở trên, trước khi làm gì hãy xác định tệp khách hàng nhé.
Họ là ai? Độ tuổi bao nhiêu? Sở thích và hành vi là gì? Thường xuyên online trong khung giờ nào? Sống tại khu vực nào? Là những câu hỏi mà bạn cần giải đáp để xác định chân dung người đọc.
Dĩ nhiên, facebook cũng tích hợp tính năng này giúp nhà sáng tạo nội dung làm việc hiệu quả.
Ngoài ra, mình cũng liệt kê một số tips giúp bạn viết content trên mạng xã hội hấp dẫn độc giả:
- Chăm chút title để thu hút khách hàng – Một tiêu đề đánh trúng tâm lý tăng 80% cơ hội người xem nhấp vào link
- Call to action đủ mạnh để tăng tỷ lệ chuyển đổi
- Không thể thiếu thông tin liên hệ để khiến khách hàng nhớ mãi
- Chèn hashtag nếu bạn đang xây dựng một chuỗi nội dung.
Content SEO
Trái với content facebook, content SEO là kết quả của quá trình tìm kiếm dựa trên nhu cầu có sẵn của người sử dụng. Câu nói đi trước thời đại của Bill Gate “Content is King” được hiện thực hóa khi nội dung là yếu tố quyết định đến thứ hạng bài viết đó trên danh sách tìm kiếm.
SEO là sân chơi Google, bạn cần tuân theo luật chơi thì sẽ được ưu ái đưa lên top tìm kiếm. Trước khi viết content SEO, cần nắm vững các checklist cơ bản sau đây để làm chủ SEO trên website:
- Nghiên cứu từ khóa chính và từ khóa LSI
- Tối ưu thẻ Title và Meta Description
- Tối ưu các thẻ H1, H2, H3,…
- Trải đều từ khóa và giới hạn tần suất trong 1,5-2%
- Sử dụng hình ảnh liên quan đến nội dung
- Kiểm tra cấu trúc liên kết nội bộ (Internal Link)
- Kiểm tra chất lượng liên kết bên ngoài (Outbound Link).
Content Landing Page
Landing Page hay còn gọi là Sale Page, là dạng web page có mục đích chuyển đổi nhất định một hành động của khách hàng. Để viết content Landing Page có mục tiêu chuyển đổi cao, cần phải đáp ứng những yếu tố: giao diện thân thiện, dòng tiêu đề hút mắt, CTA mạnh kêu gọi mua hàng.
Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ các quy tắc SEO vì nền tảng Landing Page hiện nay đang được sử dụng là website. Một số vấn đề cần chú ý khi viết content Landing Page:
- Từ khóa: Lựa chọn từ khóa sản phẩm, hoặc dịch vụ mà bạn đang cung cấp, mật độ nằm trong khoảng 3% trên tổng số từ bài viết
- Độ dài bài viết vừa đủ, súc tích trong khoảng 1000 chữ
- Thân thiện với môi trường di động. Bạn biết đấy, lượng người sử dụng điện thoại cao hơn trên máy tính mà!
- Sử dụng hình ảnh và chữ dễ hiểu, sinh động.
Content Email
Dẫn đầu trong xu hướng Automation Marketing, Email Marketing hiện đang được các doanh nghiệp kỹ thuật số khai thác đến mức tối đa. Nhưng do tính khắc nghiệt của Gmail nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Để tránh mail vào danh mục Spam theo phân loại Gmail, bạn cần khắc phục các yếu tố sau đây:
- Tránh dùng các từ spam mang tính chất quảng cáo như: miễn phí, quảng cáo,.. cũng sẽ rất dễ bị đánh spam
- Gửi thư với tần suất dày đặc cũng khiến bạn không thể tránh khỏi tình trạng trên
- Nội dung email chỉ chứa hình ảnh
- Viết hoa toàn bộ tiêu đề.
Các bước viết content hay, lôi cuốn người xem
Nghiên cứu trước khi viết
Đừng vội bắt tay vào viết một nội dung mới, chầm chậm nghiên cứu, vò đầu bứt tai với hàng tá ý tưởng vừa nảy sinh trong đầu.
Một mẹo cho các bạn mới thâm nhập vào lĩnh vực mới đó là note lại những ý tưởng bạn vừa đạt được. Có thể là bạn tự nghĩ ra, tìm trên google hoặc lần mò trong group liên quan nào đó. Sau đó, phân chia chúng thành:
- Ý tưởng tốt: Bạn có đủ kiến thức để hoàn thiện ý tưởng này thành bài viết hoàn chỉnh
- Ý tưởng tiềm năng: Khả năng cao sẽ thu hút được độc giả nhưng bạn chưa đủ vốn kiến thức để truyền tải
- Ý tưởng ngủ đông: Bạn cần nhiều thời gian để đào sâu hơn nữa.
Đầu tư cho một tiêu đề hấp dẫn
Tiêu đề chính là bộ mặt của toàn bộ nội dung, xác định người đọc có click vào nội dung xem thêm bài viết hay không. Nếu như tiêu đề không gợi lên đúng sự quan tâm sẽ khiến cho độc giả ngó lơ bài viết và bạn sẽ phải chuẩn bị đối mặt với ông sếp khó tính.
Nếu bạn đang bí ý tưởng để viết tiêu đề, hãy tham khảo bài viết , bật mí viết tiêu đề hay có ngay mẫu tiêu đề hấp dẫn giúp dễ dàng chinh phục người xem mà không cần tốn chất xám.
Xem thêm: Gợi ý 15 thủ thuật viết tiêu đề hay, hấp dẫn như dáng vẻ người yêu
Dẫn dắt thú vị
Với dạng content facebook, bạn chỉ có 3 dòng đầu tiên để truyền tải sự hứng thú với khách hàng. Với Tiktok thì đó là 3 giây đầu, còn với content SEO là đoạn meta description nho nhỏ ở bên dưới tiêu đề.
Vận dụng những gì tinh túy trong khả năng viết lách hay úp mở những trải nghiệm thú vị mà độc giả sẽ đạt được sau khi bỏ ra thời gian quý giá để đọc bài viết của bạn.
Xác định thông điệp cần truyền tải
Ở phần này phụ thuộc vào khả năng viết lách. Với dạng content facebook, cố gắng cô đọng và súc tích hết mức có thể, bởi vì người đọc vội sẽ không muốn mất nhiều thời gian của họ vào nội dung của bạn đâu.
Lời khuyên của mình, hãy đưa thông điệp lên tiêu đề hoặc đoạn hook trong bài viết để đảm bảo độc giả không bỏ lỡ những gì bạn muốn truyền tải.
Giọng văn phù hợp
Bài viết đặt cảm nhận của người dùng lên cao luôn được yêu thích. Mình vẫn thường đặt cảm xúc bản thân vào nội dung để tăng thêm tính chân thực và gần gũi với khách hàng.
Đưa một giọng văn phù hợp như lời thủ thỉ bên tai, quyến rũ khách hàng bằng những câu từ như đang đi guốc trong bụng họ.
Song, điều quan trọng nhất hãy nghiên cứu thật kỹ về đối tượng mục tiêu, tính cách thương hiệu khi bạn đang có trọng trách tiếng nói doanh nghiệp.
Chỉnh sửa bài viết
Bước cuối cùng không thể nào bỏ qua để check lại tất tần tật mọi thứ đang hiện hữu trong nội dung, là kiểm tra lần cuối.
Mình thường đọc thật to những gì mình đã viết để kiểm tra chính tả, ngữ pháp. Nếu không may, đăng tải bài viết bị dính chưởng bởi cảnh sát chính tả, ông trùm ngữ pháp thì chỉ còn cách đào cái hố rồi chui rúc để tránh lời dèm pha từ đồng nghiệp.
14 công thức viết content phổ biến
Cảm ơn các bạn vì đã chịu khó đọc hết những nội dung trên, vậy thì bạn đã đủ xanh chín để lĩnh hội những thủ thuật để đưa nội dung lên một tầm cao mới. Chỉ cần áp dụng một trong các công thức sau, bài viết sẽ đại thắng trong việc tiếp cận đến độc giả.
#1 (Before – After – Bridge) BAB
Cấu trúc của BAB được xây dựng theo lối kể chuyện, trong đó:
- Before – Tình trạng khách hàng trước khi sử dụng sản phẩm
- After – Tình trạng khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm
- Bridge – Chiếc cầu nối giải tỏa được vấn đề khách hàng. Bằng cách đưa ra lợi ích sản phẩm/ dịch vụ để thu hút khách hàng của bạn.
Đây là công thức mà mình sử dụng nhiều nhất và mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình viết content facebook. Một số ngành hàng được chứng minh hữu hiệu: mỹ phẩm, spa, sức khỏe,…
#2 (Features – Advantages – Benefits) FAB
Với lượng bài viết khổng lồ xuất hiện trên newsfeed, người đọc chỉ muốn nhanh chóng gạt bỏ những bài viết dong dài. Vì thế bạn có thể áp dụng công thức FAB, đánh thẳng vào lợi ích của khách hàng.
- Features – Tính năng sản phẩm/ dịch vụ
- Advantages – Ưu điểm vượt trội sản phẩm/ dịch vụ với đối thủ
- Benefits – Những lợi ích khách hàng nhận được khi chọn mua sản phẩm/ dịch vụ.
#3 (Clear – Concise – Compelling – Credible) 4C
- Clear – Nội dung rõ ràng, dễ đọc
- Concise – Thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu
- Compelling – Nội dung có tính thuyết phục
- Credible – Có dẫn chứng cụ thể.
Có lẽ bạn đã nhận ra đây không phải là công thức để viết content nhưng lại là những checklist hoàn thiện một bài content hạ gục tâm lý khách hàng.
#4 (Useful – Urgent – Unique – Ultra-specific) 4U
Tương tự như checklist trên, một bài content đỉnh cao, giải quyết bài toán từ độc giả cần đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố sau:
- Useful – Nội dung hữu ích cho người đọc
- Urgent – Tính cấp bách
- Unique – Tính độc đáo
- Ultra-specific – Ngắn gọn, súc tích.
#5 (Alliteration – Facts – Opinions – Repetition – Examples – Statistics – Threes) A FOREST
- Alliteration – Mở đầu bằng phép điệp âm
- Facts – Nêu ra một sự thật
- Opinions – Trình bày một luận điểm
- Repetition – Nhắc lại vấn đề đó
- Examples – Đưa ra vấn đề/ dẫn chứng cụ thể
- Statistics – Đưa ra dữ liệu đã được thống kê
- Threes – Lặp lại kết quả ba lần
Một công thức rất đầy đủ để viết content hay tuy nhiên, nó không phù hợp với những dạng content social. Song, bạn vẫn có thể áp dụng lý thuyết trên vào content Landing Page hoặc Long-form content để gia tăng chuyển đổi.
#6 (Problem – Agitate – Solve) PAS
- Problem – Đề cập đến vấn đề của khách hàng
- Agitate – Nhân đôi sát thương của vấn đề
- Solve – Đưa ra giải pháp cho vấn đề bằng sản phẩm/ dịch vụ.
Đây là công thức phổ biến mà bạn thường gặp trên các nội dung TVC hay viral clip. Tất nhiên, công thức này cũng hữu hiệu cho một số content ads trên mạng xã hội.
#7 (Picture – Promise – Prove – Push) 4P
- Picture – Hình ảnh thu hút sự chú ý hoặc khơi gợi tính tò mò
- Promise – Cam kết với khách hàng về một lợi ích
- Prove – Đưa ra dẫn chứng cụ thể
- Push – Kêu gọi mua hàng, chốt sale
Đây chính xác là công thức bạn thấy hàng loạt ở các bài đăng trên mạng xã hội và có thể bạn đã từng sử dụng rồi nhưng không nhận ra.
#8 (Star – Story – Solution) 3S
Nếu như bạn đang có ý định xây dựng nội dung dưới dạng kể chuyện nhưng lại chưa thành thục về phương thức này thì đây là công thức viết content mang tính kể chuyện đơn giản nhất.
- Star – Nhân vật chính cả câu chuyện. Có thể là người đứng đầu hoặc nhân viên trong doanh nghiệp hay một khách hàng sử dụng sản phẩm/ dịch vụ
- Story – Xây dựng một câu chuyện xung quanh nhân vật chính. Có vấn đề, có nút thắt và có cao trào.
- Solution – Giải pháp nhân vật chính đã làm để giải quyết vấn đế. Lồng ghép sản phẩm/ dịch vụ nâng cao tính hiệu quả trong quảng cáo.
#9 (Attention – Interest – Desire – Action) AIDA
- Attention – Gây sự chú ý với người đọc
- Interest – Tạo sự thích thú
- Desire – Tạo ra nhu cầu, làm thỏa mãn người đọc
- Action – Kêu gọi mua hàng.
Bạn có cảm thấy thoáng chút quen? Chính xác rồi, đây là công thức content kinh điển. Được giới thiệu như nguyên tắc bất di bất dịch trong toàn ngành Marketing, nay AIDA còn được ứng dụng thuần thục hơn trong các mẫu quảng cáo online.
#10 (Aware – Attitude – Act – Act again) 4A
4A có thể được xem là một biến thể khác của AIDA và hữu dụng trong nhiều tình huống khác. Công thức này phù hợp cho bạn khi đang xây dựng một chuỗi nội dung.
- Aware – Nhận biết
- Attitude – Thái độ
- Act – Hành động
- Act again – Lặp lại hành động.
Để gây ấn tượng mạnh mẽ và gây dấu ấn khó phai mà trong tiềm thức của khách hàng, thì hành động và lặp lại hành động trong mô hình 4A sẽ hạ gục từng độc giả nào nếu lỡ như xem phải bài viết.
#11 (Awareness – Appeal – Ask – Action – Advocate) 5A
Hành động người dùng càng trở nên khó đoán vì thế các content phải thử nghiệm liên tục để bắt kịp hành vi khách hàng. Từ AIDA đã phát triển thành 5A để phù hợp hơn trong thời đại số.
- Awareness – Nhận biết
- Appeal – Khả năng thu hút
- Ask – Tìm hiểu
- Action – Hành động
- Advocate – Ủng hộ thương hiệu.
Marketer nhận ra thiếu sót của mô hình AIDA thiếu mất kêu gọi từ thương hiệu. Trong thời đại USP đang dần bão hòa thì thương hiệu là yếu tố quyết định đến từng cú click từ người xem.
#12 (Agree – Promise – Preview) APP
- Agree – Nhận ra vấn đề và thừa nhận, đồng ý với vấn đề đó
- Promise – Hứa rằng sẽ giải quyết vấn đề của họ
- Preview – Cho họ biết nội dung của bạn có những điểm thú vị nào
Nối liền ba chữ cái ta thành một từ tiếng Anh có nghĩa, thú vị phải không nào! Đặc biệt hơn, công thức được ứng dụng bởi Brian Dean – chuyên gia SEO trong Case Study về Copywriting. Mình thấy công thức này rất hữu hiệu trong dạng Long-Form content hay content SEO.
#13 5 sự cản trở
- Tôi không đủ tiền
- Tôi không có thời gian
- Tôi không thích
- Tôi không tin
- Tôi không cần.
Đây là những trở ngại lớn nhất của những khách hàng đang có ý định sử dụng sản phẩm/ dịch vụ. Hãy làm rõ từng yếu tố trên, khách hàng chỉ biết ngậm ngùi và bỏ tất cả vào giỏ hàng.
#14 3 vì sao
- Vì sao sản phẩm của bạn tốt nhất?
- Vì sao tôi phải mua nó?
- Vì sao tôi phải tin bạn?
Tương tự như công thức bên trên, khi trở lại được các câu hỏi vì sao của khách hàng, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục hoàn toàn được độc giả.
8 chiến thuật viết content áp dụng ngay
Triển khai A/B Testing
Nếu bạn đã từng làm việc chung với các ads thủ, họ sẽ yêu cầu bạn viết nhiều hơn 1 bài trong cùng một chủ đề hay một thông điệp.
Mục đích chính là sử dụng thủ thuật A/B Testing – kỹ thuật so sánh 2 hoặc nhiều phiên bản trong cùng một điều kiện. Sau thời gian triển khai, A/B Testing sẽ đưa bạn một con số cụ thể và cho ra phương án hiệu quả nhất.
Content bám trend
Khi cắn bút mãi nhưng chẳng mang đến kết quả khả quan nào thì cách hữu hiệu nhất đó là bám theo xu hướng. Không ai muốn mình trở nên lạc hậu, tiến hóa ngược cả, tận dụng theo tâm lý đó sẽ giúp chỉ số nội dung của bạn trông như một giấc mơ.
Viết đơn giản hơn
Mình vẫn ưa câu nói từ một leader: “Hãy viết cho một đứa trẻ cấp 2 có thể đọc được”. Đến đây, hẳn nhiều bạn viết content sẽ cảm thấy ít nhiều “bị sỉ nhục” khi mình đã bỏ qua rất nhiều tâm huyết đi học đủ thứ trên trời dưới đất.
Nhưng không bạn ơi! Đến cả nhà văn, họ còn trau dồi mỗi ngày để trở nên viết đơn giản hơn, để mở rộng đối tượng độc giả, họ càng phải sử dụng ngôn từ gần gũi. Vậy nên, áp dụng lối viết đơn giản, nội dung sẽ được cải thiện.
Sử dụng Google Docs để viết content
Đã có một thời gian dài, mình sử dụng Word làm công cụ soạn thảo văn bản chính, lý do chắc vì Word phổ biến và dễ gửi cho cấp trên hoặc khách hàng duyệt bài viết. Nhưng mình đã gặp không ít những bất cập trong quá trình làm việc:
- Cần phải crack để không muốn mất phí
- Mất dữ liệu khi máy tính có sự cố
Đó là lý do mình tìm đến một công cụ soạn thảo online, và Google Docs là công cụ duy nhất mình thấy phù hợp nhất.
- Dễ dàng chia sẻ cho người khác với một đường link
- Miễn phí sử dụng
- Phối hợp sử dụng với hệ sinh thái Google đa dạng.
Hình ảnh, video – Nói hộ lòng tôi
Nếu bạn đề cao con chữ hơn hình ảnh/ video là một sai lầm chết người rồi đấy. Trên mạng xã hội, người đọc sẽ thấy hứng thú với nội dung có hình ảnh đẹp hay một bài viết dài thòng chỉ toàn chữ là chữ. Hãy xem hình ảnh như avatar để bạn thu hút những cô nàng đỏng đảnh vậy.
Sử dụng những từ phản tư
Bạn nghĩ đâu là thứ vũ khí lợi hại nhất của những Copywriter? Với mình đó là từ ngữ mạnh mẽ có đủ sức mạnh để phản biện thế giới nội tâm độc giả. Khi đọc lên, nó gợi cảm xúc, thôi thúc người đọc suy nghĩ, cảm nhận rồi hành động.
Bạn có thể lựa chọn những từ phản tư vào tiêu đề, đoạn hook hoăc CTA kêu gọi hành động. Một số từ phản tư có thể tham khảo tại đây: Ngôn tư thôi miên.
Nguyên tắc 80-20
Lại là một nguyên tắc cũ rích nhưng vẫn hiệu quả qua từng thời đại.Trước kia Lincoln đã từng nói “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt 1 cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài rìu” thì nay, chúng ta có công thức đơn giản hơn, là 80-20.
Quy tắc chỉ ra, bạn chỉ cần bỏ ra 20% để tạo ra nội dung bằng kỹ thuật viết, trình bày, sáng tạo hình ảnh, còn 80% được quyết định bởi trải nghiệm, am hiểu về lĩnh vực cần truyền thông.
Quy tắc 90-10
90-10 là quy tắc viết content hiệu quả nếu muốn nhanh chóng đạt được những chỉ số chuyển đổi ấn tượng. Không nhất thiết 10% giới thiệu nằm trong bài viết mà nó xuất hiện ở dạng hình ảnh, hoặc nút CTA “Tải miễn phí” ở cuối bài.
Hiểu đơn giản, 90% nội dung chia sẻ về nội dung hữu ích, giải quyết vấn đề khách hàng đang vướng mắc và 10% còn lại lái về sản phẩm/ dịch vụ của mình. Nếu như content chỉ để quảng cáo hay chia sẻ thôi thì thật nhàm chán phải không nào.
Hì, bài cũng đã dài, mực cũng gần hết. Nếu bạn tiếp thu hết nội dung bên trong bài viết này, chí ít sẽ giúp content của bạn trở nên hấp dẫn.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến cuối bài viết, nếu thấy nội dung trên có điểm nào chưa hợp lý, hãy thẳng thắn chia sẻ để mình hoàn thiện hơn về kiến thức.